Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

HAGL dự kiến khai thác “siêu dự án” tại Myanmar từ Q1/2015

Tòa nhà văn phòng vận hành từ Q1/2015 và đến Q2 là khách sạn 5 sao.

Tháng 8/2013, nhận định thị trường bất động sản trong nước vẫn còn khó khăn trong một thời gian dài nữa, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã có một quyết định khá bất ngờ khi tuyên bố sẽ rút khỏi phần lớn các dự án bất động sản ở trong nước.

Theo đó, HAGL đã chuyển phần lớn các dự án bất động sán hiện có cho công ty An Phú và tách công ty này ra thành công ty độc lập. Sau động thái này, HAGL chỉ còn giữ lại dự án Myanmar đóng vai trò chủ lực, dự án Hoàng Anh Bangkok cùng một số dự án khác.

Khu phức hợp HAGL Myanmar Center được HAGL khởi công từ tháng 6/2013. Khu đất thực hiện dự án có quy mô 8ha, nằm tại thành phố Yangon và được HAGL mua từ năm 2011 với giá khá rẻ, chỉ 700 USD/m2. 

Tổng mức đầu tư dự kiến là 440 triệu USD, trong đó, giai đoạn 1 là 200 triệu USD.

Theo thông tin vừa được Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố, năm 2014, tập đoàn này sẽ tiếp tục triển khai xây dựng 3 ca/ngày đối với các hạng mục của giai đoạn 1 để hoàn thành và đưa 2 block văn phòng đầu tiên với diện tích 85.701 m2 và trung tâm thương mại với diện tích 38.000 m2 vào hoạt động trong quý 1/2015. Khách sạn 5 sao với quy mô 400 phòng sẽ hoạt động từ quý 2/2015.

HAGL sẽ thu xếp nguồn vốn cho giai đoạn 2 và bắt đầu công tác xây dựng trong quý 2 năm nay để tận dụng tối đa cơ hội thị trường Myanmar đang thiếu hụt trầm trọng nguồn cung bất động sản. Giai đoạn 2 gồm 4 toàn nhà căn hộ dịch vụ với 1.800 căn và một tòa nhà văn phòng, có diện tích mặt sàn gần 39.000 m2 và diện tích cho thuê thuần là 195.692m2.

Sau hàng loạt động thái tái cấu trúc và bán đi một số lĩnh vực như thủy điện, gỗ… hiện HAGL chỉ còn 2 mảng kinh doanh chính là bất động sản và nông nghiệp.

Mảng nông nghiệp của HAGL hiện gồm 4 loại cây trồng chính, gồm 2 loại cây công nghiệp dài ngày là cao su và cọ dầu; 2 loại cây ngắn ngày là mía và bắp (ngô). Năm nay là năm đầu tư HAGL thực hiện trồng bắp. Sản phẩm bắp dự kiến sẽ được bán về cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước.

Kiến Khang
CafeBiz/Tri Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét