Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Gói 50.000 tỷ đồng mang lại nhiều lợi ích cho ngành xây dựng, BĐS

Chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua mô hình liên kết “4 nhà” được Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh phối hợp tổ chức “Hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng ngành xây dựng” tại Hà Nội vào chiều 17/4.
Đánh giá về Chương trình tín dụng này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng chương trình tín dụng này mang lại nhiều lợi ích cho ngành xây dựng, thị trường bất động sản. Bởi với chương trình này Nhà nước không mất gì, ngân sách cũng không mất gì, trong khi đó chúng ta vẫn đang mong muốn tăng trưởng tín dụng, và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo NHNN đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhưng lại phải đảm bảo lạm phát, nợ xấu…Vì thế, cần có phương thức nào để đổ tiền vào nền kinh tế mà vẫn đảm bảo các vấn đề trên, thì chương trình này có thể sẽ làm được điều đó.
Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam với phương thức mà chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng đưa ra là rất tốt. Đồng quan điểm, T.S Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng đây là phương thức tốt.
Vụ trưởng vụ tín dụng NHNN, Nguyễn Viết Mạnh cũng khẳng định, các ngân hàng thương mại đã cùng nhau ký kết với các chủ đầu tư, các nhà thầu,…việc triển khai liên kết 4 nhà góp phần thúc đẩy giảm bớt khó khăn cho ngành xây dựng, góp phần tăng trưởng tín dụng. Đây không phải là nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước. Việc cho vay hoàn toàn tuân theo điều kiện tín dụng thông thường, tức là phải có tài sản đảm bảo, có phương án trả nợ, ngân hàng phải thẩm định…NHNN luôn khuyến khích thực hiện mô hình này. Trong thời gian triển khai thí điểm, nếu có hiệu quả NHNN sẽ nghiên cứu để thúc đẩy mô hình này.
Ngày 25/3, Ngân hàng Xây dựng cùng Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức họp báo công bố gói 50.000 tỷ cho BĐS với mô hình liên kết “4 nhà” Chủ đầu tư - nhà cung ứng vật liệu xây dựng - nhà thầu - ngân hàng và liệt kê danh sách 10 ngân hàng tham gia.

Tuy nhiên, ngay sau đó đại diện các ngân hàng được nhắc tới như Oceanbank, SHB...lên tiếng bác bỏ việc tham gia gói 50.000 tỷ. Bộ Xây dựng cũng cho biết, Bộ không chủ trì, nghiên cứu, liên quan đến gói tín dụng 50.000 tỷ đồng. 

Trong bối cảnh gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được 4%, nhiều người nghi ngại liệu gói 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết này có khơi thông được dòng chảy trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bất động sản đang đương đầu với khó khăn hay vẫn chỉ là kỳ vọng.
Còn theo Thứ trưởng Nam thì mô hình này, các DN đã liên kết với nhau ra được các quy trình khép kín đảm bảo dòng tiền hướng vào ngành xây dựng, và bất động sản phục vụ cho người dân…làm tăng trưởng tín dụng mà vẫn có thể kiểm soát được lạm phát và nợ xấu.
Vấn đề còn lại là cách thức thực hiện như thế nào? Và đây cũng là điều mà dư luận gần đây rất quan tâm và cũng là điều dễ hiểu vì mô hình này mới triển khai thì con số tín dụng còn nhỏ, và cũng chưa biết hiệu quả sẽ thế nào, do đó Thứ trưởng Nam cho rằng cần chứng minh phương thức này là đúng.
“Với mô hình mà VNCB đưa ra, Bộ Xây dựng luôn ủng hộ chương trình tín dụng này. Không quan trọng là số tiền bao nhiêu, 30.000 tỷ, 50.000 tỷ hay 70.000 tỷ. Nếu triển khai tốt, các đối tác, DN vận hành nhiêm túc thì hiệu quả sẽ rất tốt. Khi triển khai tốt thì dòng tiền sẽ phình to ra mà không khống chế được. Bởi đây là chương trình tín dụng thông thường, là sự thỏa thuận cả các ngân hàng thương mại với nhau. Và ngược lại nếu các DN triển khai không tốt thì chắc chắn chương trình tín dụng này sẽ bé đi.” Thứ trưởng Nam nói.
Thứ trưởng Nam cũng cho biết thêm, nếu thực hiện đúng các dự án dở dang được khai thông, hàng hóa có tính thanh khoản cao, tăng giao dịch…kinh tế sẽ phát triển. Đây là thời điểm cơ hội cho các DN bởi khuynh hướng thị trường BĐS đang ấm lên. Điều này thể hiện ở 3 dấu hiệu.
Một là, thanh khoản thị trường BĐS tăng lên: Số liệu mới nhất về số lượng giao dịch mà các sàn giao dịch BĐS đưa ra, quý 1 năm 2013 tại HN có 800 giao dịch thành công nhưng đến quý 4 có tới 3.000 giao dịch thành công tăng gấp 4 lần. Tính đến 15/4/2014 đã có 2.300 giao dịch thành công. Riêng trong quý 1 năm 2014 có 1.500 giao dịch.

NHNN kiến nghị tiếp tục nới điều kiện mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng

Ngày 17/4, NHNN đã có báo cáo về tình hình tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản; Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 và Đề án thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở.

Theo NHNN, về tình hình giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ cho thị trường BĐS, đến 31/3/2014 các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với 3.537 khách hàng với tổng số tiền đạt 3.124 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở; trong đó đã giải ngân theo tiến độ cho 3.508 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.448 tỷ đồng, tăng 79,8% so với 31/12/2013

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn của chương trình, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân, NHNN đã kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng là đối tượng thu nhập thấp; cho phép được cho vay trong gói 30.000 tỷ đối với các đối tượng khách hàng cá nhân mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán nhà tối đa 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá) để phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương;

Bên cạnh đó, NHNN cũng kiến nghị bổ sung đối tượng là các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 300 triệu đồng; cho phép các đối tượng ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở trước ngày 07/01/2013 (ngày Nghị quyết 02/NQ-CP có hiệu lực) được vay trong gói hỗ trợ này;

Ngoài ra, NHNN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần có nhu cầu được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở để đẩy mạnh việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở; Không đưa đối tượng là các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, Miền Trung vào chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Về Đề án thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở, NHNN cho biết ngày 23/9/2013, NHNN đã có Quyết định số 2104/QĐ-NHNN thành lập Ban chỉ đạo và Tổ biên soạn xây dựng hoàn thiện Đề án thành lập Cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở (MRA), với sự tham gia của đại diện 02 NHTM là NHTMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, NHNN đã gửi dự thảo Đề án xin ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Đề án, trình Ban chỉ đạo xem xét.

Cũng theo NHNN, hiện nay một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Đề ấn bởi MRA là mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam, do đó cần hoàn thiện khung pháp lý, căn cứ triển khai để tạo cơ sở triển khai mô hình MRA tại Việt Nam. Ngoài ra, nguồn vốn hoạt động của MRA bao gồm NHNN cấp 3.000 tỷ đồng và phát hành trái phiếu chưa cụ thể, rõ ràng và chưa có tính khả thi…

Dòng tiền đang chảy mạnh vào BĐS

Giao dịch trên thị trường BĐS đang tăng mạnh so với năm 2013, thể hiện ở số lượng giao dịch của từng quý gần đây đều tăng rõ rệt.

Sáng ngày 18/4/2014, Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS đã có buổi họp với lãnh đạo Bộ Xây dựng. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đầu năm 2014, thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, lượng giao dịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, giá nhà có dấu hiệu chững lại không giảm liên tiếp như năm ngoái, thậm chí có dự án tăng giá nhẹ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng theo báo cáo này, điểm nổi bật nhất thị trường bất động sản 4 tháng đầu năm là tình hình giao dịch tiếp tục khởi sắc. Nhiều địa phương có số lượng giao dịch tăng đáng kể.
Cụ thể, tại Hà Nội từ đầu năm đến nay theo thống kê từ các sàn giao dịch BĐS đã có 2.300 giao dịch thành công (riêng quý 1/2014 là 1.500 giao dịch tăng gấp 2 lần cùng kỳ). Quý 4/2013 trước đó, khoảng 3.000 giao dịch bất động sản thành công cao gấp 4 lần quý 1.
Ở Tp.HCM, trong 04 tháng đầu năm 2014 đã có khoảng 1.300 giao dịch thành công (tương đương cùng kỳ năm 2013). Một số dự án có mức giá từ 13 triệu đồng/m2 đến 21 triệu đồng/m2 và có diện tích nhỏ và vừa (từ dưới 70m2 đến 90m2 ) được nhiều khách hàng quan tâm.
Ở một số địa phương khác, thị trường cũng khá khởi sắc, theo báo cáo của Sở Xây dựng Khánh Hòa, quý 3/2013 chỉ số giá đất nền tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Lượng giao dịch chung cư tại thành phố Nha Trang quý 3/2013 tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Thị trường khởi sắc, lượng giao dịch tăng, hàng tồn kho giảm, nên một số dự án tiếp tục đưa sản phẩm ra chào bán thị trường, như các dự án Times City, dự án Thăng Long Victory của Công ty Phúc Hà,dự án Khu nhà ở Xuân Phương của Viglacera, dự án Viện 103 Văn Quán của Công ty CP đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7, dự án CT1 Trung Văn của Vinaconex 3, dự án 136 Hồng Tùng Mậu do EZ Việt Nam và VUD phân phối…
Một số dự án dù mới được mở bán ra thị trường nhưng đã có tỷ lệ giao dịch thành công cao như dự án 103 Văn Quán đến nay đã có khoảng 250 căn hộ có chủ trên tổng số 384 căn được chào bán, dự án 136 Hồ Tùng Mậu bán thành công khoảng hơn 200 căn trên tổng số 300 căn được chào bán, dự án Mullbery Lane có 40 giao dịch, dự án Văn Phú Victory có 400 giao dịch, dự án Ao Sào có 200 giao dịch…
Theo nhận định của một Giám đốc sàn BĐS trên địa bàn Hà Nội, hiện dòng tiền mới đang có xu hướng “chảy” vào BĐS, dòng tiền này có thể từ thị trường chứng khoán rút ra, từ tiền gửi ở ngân hàng. Thị trường chứng khoán đang có xu hướng hiện thực hóa lợi nhuận, sau thời gian dài tăng điểm, có lãi nhà đầu tư thường hiện thực từ “tiền trên giấy” để đi mua bất động sản.
Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng 3 phiên giảm mạnh từ đầu tuần đến nay, hơn 52.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD đã “bốc hơi”. Trong đó, sàn HoSE mất 44,8 nghìn tỷ và sàn Hà Nội mất 7,2 nghìn tỷ.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi thấp cũng đang là yếu tố khiến những người có tiền nhàn dỗi sẽ chuyển sang mua bất động sản. Một Giám đốc sàn giao dịch BĐS ở Hà Nội tiết lộ, trong tổng số khoảng 200 căn hộ tại một dự án mà đơn vị này mới phân phối thành công trong 1 tháng vừa qua thì có khoảng 15% trong số này là nhà đầu tư, dòng tiền này từ tiền gửi ngân hàng là chính.

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Giá nhà đất sẽ tiếp tục tăng trong quý II

"Tôi khá lạc quan về thị trường bất động sản trong Quý II tới...Cung vẫn vượt cầu trong phần lớn các phân khúc, ngoài ra giá trần của nhiều dự án đang và sẽ tăng nhẹ", Giám đốc Savills Hanoi cho biết.

BĐS quý I/2014 đã ghi nhận hàng loạt dấu hiệu khởi sắc khi các chủ đầu tư ồ ạt mở bán dự án, lượng giao dịch tăng mạnh, hàng loạt dự án trở thành điểm nóng của thị trường....Để có cái nhìn sâu hơn về diễn biến trên thị trường BĐS chúng tôi đã có cuộc trao đổi riêng với ông Matthew Powell – Giám đốc Savills Hanoi.

Nhiều người cho rằng hiện tại đang là thời điểm "vàng" để đầu tư vào thị trường bất động sản, quan điểm của ông về nhận định trên?


Ông Matthew Powell: Thật ra, việc xác định đâu là thời điểm vàng để đầu tư vào bất động sản phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm về chiến lược đầu tư của chủ đầu tư cũng như các nhu cầu tại từng thời điểm. Để nói hiện nay đang là thời điểm vàng cho tất cả các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản thì chưa hoàn toàn đúng, tuy nhiên đây có thể là cơ hội tốt để đầu tư vào một số phân khúc đặc biệt như phân khúc các dự án căn hộ giá rẻ. 

Bên cạnh đó, dựa trên báo cáo mới nhất của phòng nghiên cứu của Savills Vietnam cho thấy, đang có một bộ phận không nhỏ người nước ngoài, các nhà đầu tư và phát triển ngoại quốc hiện có nhu cầu lớn trong việc mua nhà, đầu tư bất động sản hay tìm trụ sở tại Hà Nội trong phân khúc trung cấp và cao cấp.

Theo ông, phân khúc nào sẽ được các nhà đầu tư quan tâm nhất khi họ muốn tái đầu tư vào thị trường bất động sản trong năm nay?

Ông Matthew Powell: Như đã đề cập, mặt bằng giá cho mọi loại hình bất động sản đang ở mức chấp nhận được và bề ngoài mang một tín hiệu khá tích cực. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguồn cung, nhu cầu hay lợi nhuận của mỗi phân khúc cũng như sự kì vọng của mỗi nhà đầu tư khi họ lựa chọn loại hình đầu tư sẽ khác nhau. Nhìn chung, có thể nhận thấy rõ rằng tại Việt Nam, các nhà đầu tư có xu hướng ưu tiên chọn lựa phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khu thương mại hay bán lẻ.

Mới đây, NHNN đã quyết định hạ trần lãi suất, theo ông quyết định này sẽ tác động ra sao với thị trường bất động sản?


Ông Matthew Powell: Việc hạ trần lãi suất là một điều kiện để góp phần tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Quyết định trên có thể tác động tích cực tới các nhà đầu tư, phát triển uy tín đang đầu tư những dự án mang lại hiệu quả cao, đang trong giai đoạn hoàn thiện và cần vốn vay với lãi suất thấp. Ngược lại, việc hạ lãi suất lần này vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với đối tượng là người mua nhà vì lo ngại về giá vẫn ở mức cao hay tâm lý đợi tới hết kỳ hạn tiết kiệm mới rút tiền.

Dự đoán của ông về toàn cảnh thị trường trong Quý II?

Ông Matthew Powell: Tôi khá lạc quan về thị trường bất động sản trong Quý II tới. Dựa trên Báo cáo về thị trường bất động sản Quý I của Savills Vietnam, cung vẫn vượt cầu trong phần lớn các phân khúc, ngoài ra giá trần của nhiều dự án đang và sẽ tăng nhẹ

Nhưng, không chịu những tác động trên, phân khúc dự án nhà ở thương mại hay nhà ở xã hội hội tụ những yếu tố như vị trí thuận lợi, tiện ích mang lại lớn, đã bàn giao hoặc đang trong quá trình hoàn thiện sẽ vẫn là đòn bẩy nhằm thu hút và tạo cơ hội tốt cho các nhà đầu tư cũng như người mua nhà muốn sở hữu hoặc đầu tư bất động sản.

Xin cảm ơn ông!
Thanh Ngà
Theo Trí Thức Trẻ

HAGL dự kiến khai thác “siêu dự án” tại Myanmar từ Q1/2015

Tòa nhà văn phòng vận hành từ Q1/2015 và đến Q2 là khách sạn 5 sao.

Tháng 8/2013, nhận định thị trường bất động sản trong nước vẫn còn khó khăn trong một thời gian dài nữa, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã có một quyết định khá bất ngờ khi tuyên bố sẽ rút khỏi phần lớn các dự án bất động sản ở trong nước.

Theo đó, HAGL đã chuyển phần lớn các dự án bất động sán hiện có cho công ty An Phú và tách công ty này ra thành công ty độc lập. Sau động thái này, HAGL chỉ còn giữ lại dự án Myanmar đóng vai trò chủ lực, dự án Hoàng Anh Bangkok cùng một số dự án khác.

Khu phức hợp HAGL Myanmar Center được HAGL khởi công từ tháng 6/2013. Khu đất thực hiện dự án có quy mô 8ha, nằm tại thành phố Yangon và được HAGL mua từ năm 2011 với giá khá rẻ, chỉ 700 USD/m2. 

Tổng mức đầu tư dự kiến là 440 triệu USD, trong đó, giai đoạn 1 là 200 triệu USD.

Theo thông tin vừa được Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố, năm 2014, tập đoàn này sẽ tiếp tục triển khai xây dựng 3 ca/ngày đối với các hạng mục của giai đoạn 1 để hoàn thành và đưa 2 block văn phòng đầu tiên với diện tích 85.701 m2 và trung tâm thương mại với diện tích 38.000 m2 vào hoạt động trong quý 1/2015. Khách sạn 5 sao với quy mô 400 phòng sẽ hoạt động từ quý 2/2015.

HAGL sẽ thu xếp nguồn vốn cho giai đoạn 2 và bắt đầu công tác xây dựng trong quý 2 năm nay để tận dụng tối đa cơ hội thị trường Myanmar đang thiếu hụt trầm trọng nguồn cung bất động sản. Giai đoạn 2 gồm 4 toàn nhà căn hộ dịch vụ với 1.800 căn và một tòa nhà văn phòng, có diện tích mặt sàn gần 39.000 m2 và diện tích cho thuê thuần là 195.692m2.

Sau hàng loạt động thái tái cấu trúc và bán đi một số lĩnh vực như thủy điện, gỗ… hiện HAGL chỉ còn 2 mảng kinh doanh chính là bất động sản và nông nghiệp.

Mảng nông nghiệp của HAGL hiện gồm 4 loại cây trồng chính, gồm 2 loại cây công nghiệp dài ngày là cao su và cọ dầu; 2 loại cây ngắn ngày là mía và bắp (ngô). Năm nay là năm đầu tư HAGL thực hiện trồng bắp. Sản phẩm bắp dự kiến sẽ được bán về cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước.

Kiến Khang
CafeBiz/Tri Thức Trẻ

Mô hình 4 nhà hiệu quả nếu không vì lợi ích riêng

Trao đổi với báo chí ông Lê Hoàng Châu đã có những chia sẻ xung quanh mô hình liên kết này, đang được nhiều chủ dự án áp dụng trong hoạt động kinh doanh BĐS hiện nay.
Thưa ông, vừa qua mô hình liên kết “4 Nhà”  trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản được công bố với dự kiến gói tín dụng lên tới 50.000 tỷ, vậy ông có đánh giá gì về phương thức này?
Ông Lê Hoàng Châu: Thực chất, trước đây Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng đã phối hợp với BIDV đưa ra sáng kiến liên kết này trong lĩnh vực BĐS. Mô hình này gồm Nhà Đầu tư –Nhà Thầu –Nhà cung cấp VLXD, thiết bị -Nhà Băng. Nếu làm được sự kiến kết giữa 4 nhà này thì chắc chắn vòng luôn chuyển dòng tiền của các đơn vị sẽ tốt hơn, và hiệu quả sử dụng đồng vốn trong đầu tư cũng tốt hơn, và giảm thiểu được rủi ro cho ngân hàng khi cung cấp tín dụng cho các đối tác.
Như vậy, chúng ta có thể thấy về mặt xã hội là có lợi để giúp cho giá VLXD đưa vào công trình có giá tốt nhất khi có sự liên kết, có hậu thuẫn của ngân hàng nên tính thanh khoản được bảo đảm. Do vậy, chúng tôi rất ủng hộ quan điểm có một sự liên kết giữa 4 nhà này. Nhưng chúng tôi ủng hộ theo tinh thần liên kết tự nguyện theo cơ chế thị trường và nhắm đến lợi ích chung.
Như ông nói là Hiệp hội BĐS Tp.HCM và BIDV đã có ý tưởng liên kết 4 nhà từ trước, vậy mô hình này hiện nay hoạt động như thế nào, thị trường phản ứng ra sao?
Ông Lê Hoàng Châu: Ban đầu mô hình liên kết này được chia làm 2 gói. Gói đầu tiên là Nhà thầu –Chủ đầu tư –Ngân hàng, gói thứ hai là Nhà đầu tư –Nhà cung ứng –Nhà băng. Mỗi gói dự kiến là khoảng 30.000 tỷ. Nhưng sau đó gộp với nhau thành 1 gói liên kết 4 nhà với 4 chủ thể tham gia.
Tuy nhiên, thời gian qua chưa có mô hình 4 Nhà được triển khai hiệu quả, mà chỉ xuất hiện mô hình 3 nhà là Chủ đầu tư –Nhà thầu - nhà băng.
Với mô hình 4 nhà mà Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Thiên Thanh mới công bố là tham vọng của các bên để tạo ra một phương thức mới, một cách làm mới với mong muốn hợp tác đầu tư hiệu quả. Vì vậy, giá thành BĐS sẽ giảm xuống nếu ta tiết kiệm được đồng vốn, giúp dòng luôn chuyển tiền tệ được thông suốt từ đó có thể xử lý nợ xấu.
Nhiều người cho là gói tín dụng 50.000 tỷ mới được giới thiệu chỉ là sự cam kết, và là “ảo”, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Lê Hoàng Châu: Nói là “ảo” bởi chưa có ký kết, nhưng đó sẽ là thật khi có những hợp đồng ký kết ở từng dự án, từng gói tín dụng một. Nói là “ảo” bởi vì ta đang dự kiến một phương thức hoạt động như thế nhưng bây giờ để biến thành hiện thực thì phải có sự tin cậy lẫn nhau giữa các đối tác.
Hiện nay ngân hàng nói rằng sẽ có gói tín dụng 50.000 tỷ nhưng mọi thứ chỉ rõ ràng khi thể hiện trên hợp đồng tín dụng, có những tiêu chuẩn vay vốn cụ thể. Nhưng quan trọng ai là người trung gian kết nối lại với nhau, trước đây, BIDV cũng đã giữ vai trò mô hình này khá tốt. Hoặc như gói hỗ trợ DN do UBND Tp.HCM vừa rồi kết nối đạt được con số 2013 là 12 nghìn tỷ, năm 2014 dự kiến là 20 tỷ. Đây là sự kết nối rất tốt trên thị trường Tp.HCM nhưng gói này chủ yếu dành cho DN vừa và nhỏ, hàng sản xuất tiêu dùng.
Vì thế chúng tôi hy vọng, thời gian tới nếu gói tín dụng này có sự liên kết giữa 4 nhà sẽ có tích cực với các dự án BĐS.
Cái lợi lớn nhất là hiệu quả sử dụng đồng vốn, nếu sử dụng tốt thì giá thành BĐS về nguyên tắc có thể giảm xuống, bởi có thể giảm chi phí lãi vay, không phải nợ lòng vòng, rút ngắn được thời gian thi công, sản phẩm không bị đội chi phí do lãi vay…
Mô hình này liệu có lấy lại được niềm tin cho thị trường khi người dân đang mất niềm tin ở rất nhiều dự án?
Ông Lê Hoàng Châu: Với cách làm này có thể sẽ làm giảm được sự mất lòng tin đó. Chúng ta cũng đang nhận thấy thị trường BĐS đang có sự hồi phục, trước hết là phân khúc căn hộ diện tích vừa và nhỏ giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, đối tượng mua để ở, nhà đầu tư “lướt sóng” rất ít.
Cách làm này lành mạnh hóa thị trường, có điều giữa các nhà này không có sự tôn trọng luật chơi, không có đạo đức nghề nghiệp, chỉ toàn tính lợi ích riêng cho mình thì e ngại sự liên kết này không bền vững lâu dài.
Theo ông, thị trường BĐS có khởi sắc hơn khi áp dụng mô hình liên kết này?
Ông Lê Hoàng Châu: BĐS khởi sắc hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Yếu tố lớn nhất là “lòng tin” của người tiêu dùng, của DN; thứ hai  là phải có thể chế.Vừa rồi Luật đất đai đã thông qua; Luật nhà ở, luật kinh doanh BĐS đang sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn…từ đó sẽ hình thành một hành lang pháp lý tốt cho thị trường.
Ngoài ra, việc mở rộng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài, cho loại hình sở hữu nhà ở có thời hạn, việc sở hữu nhà ở có thời hạn sẽ giúp giảm giá BĐS,…những thay đổi này sẽ giúp thị trường BĐS phát triển bền vững hơn.
Xin cám ơn ông!

Có nên áp giá trần với nhà ở xã hội?

Theo đại diện Bộ Xây dựng, việc khống chế mức giá trần đối với nhà ở xã hội không phù hợp vì doanh nghiệp làm nhà xã hội cũng phải thu hồi vốn và Nhà nước đã khống chế lãi định mức 10%.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định: "Tùy từng điều kiện, tùy từng loại nhà mà có giá thành xây dựng khác nhau. Khống chế nhà ở xã hội chỉ được phép bán 8 - 10 triệu đồng/m² là không phù hợp. Chúng ta không thể áp một mức giá cố định, mà chỉ nên khống chế trên cơ sở đưa ra mức lãi định mức của doanh nghiệp mà thôi".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trên thị trường lại có ý kiến trái chiều rằng, hiện nhà xã hội đang được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ như: được ưu đãi tiền sử dụng đất, được vay vốn triển khai dự án từ gói 30.000 tỷ với lãi suất thấp... Vì vậy, giá nhà ở xã hội không nên vượt quá khoảng 10 triệu đồng/m². Bởi, hiện nay nhiều khu nhà thương mại không được hưởng ưu đãi nhưng cũng đã có giá bán 10 triệu đồng/m².

Theo Hòa An