Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Muốn chặn tham nhũng phải chuẩn tắc được khâu định giá đất

Câu chuyện giá đất luôn luôn câu chuyện gắn với tham nhũng, khiếu kiện. Do đó, nếu chúng ta chuẩn tắc được khâu định giá đất này sẽ ngăn ngừa được tham nhũng, và giảm được khiếu kiện.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 hồi tháng 6/2013, Quốc hội chưa thể thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 6 vào 21/10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Quốc hội sẽ thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong kỳ họp lần này.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một Dự án Luật quan trọng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và mọi người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập mà Dự thảo Luật này chưa khắc phục được. Để có cái nhìn thấu đáo hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi riêng với G.S Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, và cũng là người soạn thảo Luật Đất đai 2003.
Thưa ông, Luật Đất đai (sửa đổi) sắp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, vậy theo ông những vấn đề bất cập trong xã hội bấy lâu nay Luật đã có phương án khắc phục chưa?
G.S Đặng Hùng Võ: Cơ chế thu hồi đất hiện nay đang được thảo luận nhiều nhất là có thu hồi đất các dự án phát triển kinh tế xã hội hay không, Quốc hội cũng đã đưa ra thảo luận và cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau.
Có điều là, như ở các nước trên thế giới, người ta chỉ thu hồi đất vì lợi ích công, còn các dự án lợi tích tư thì Nhà nước không thu hồi đất, không can thiệp. Nhưng, Việt Nam lại đưa ra từ rất chung chung là “phát triển kinh tế xã hội”, đây là từ có yếu tố có thể sử dụng cơ chế thu hồi đất được nhưng cũng có yếu tố không sử dụng được.
Ví dụ, để giải quyết vấn đề xã hội thì cơ chế thu hồi đất là hợp lý bởi phục vụ an sinh xã hội thì Nhà nước phải chăm lo, phải có tác động. Vấn đề này không có gì phức tạp và chắc người bị thu hồi đất cũng đồng tình nếu quy hoạch hợp lý.
Thế nhưng, nếu là mục đích kinh tế thì lại hoàn toàn khác, có khi đó là lợi ích của Nhà nước nhưng có khi lại là lợi ích của nhà đầu tư. Lợi ích của Nhà nước, tức là chỉ khi dự án kinh tế đó là phục vụ lợi ích chung, chẳng hạn như là xây dựng con đường, sau rồi thu phí con đường đó thì đó là kinh doanh nhưng nó lại là phục vụ lợi ích chung. Trong trường hợp này thì áp dụng cơ chế thu hồi đất của Nhà nước là hợp lý.
Cũng có những dự án vì mục đích kinh tế thì lại không thể áp dụng cơ thế thu hồi đất được, ví dụ như đầu tư xây dựng một dự án TTTM của một ai đó, thì đó lại là lợi ích của chủ đầu tư chứ Nhà nước không có lợi ích gì ở đây, có chăng chỉ là chủ đầu tư nộp thuế cho Nhà nước, thì đó không thể coi là lợi ích công được.
Vấn đề còn lại là nên loại những trường hợp vì lợi ích tư ra khỏi nhóm áp dụng cơ chế thu hồi đất, đó là một cách làm và phương án hợp lý.
2. Theo ông cơ chế định giá đất để tính tiền bồi thường hiện nay hợp lý chưa?
G.S Đặng Hùng Võ: Theo tôi cơ chế này hiện nay đang thiếu tính khách quan, mặc dù Nhà nước quyết định giá nhưng điều quan trọng là giá đó được định giá trên trình tự thủ tục nào, quy trình nào hiện nay chưa có. Dự thảo Luật sửa đổi hiện nay đang chờ Quốc hội thông qua cũng chưa có.
3. Thiếu tính khách quan ở điểm nào, thưa ông?
G.S Đặng Hùng Võ: Chúng ta đang áp dụng cơ chế “ngang giá thị trường” nhưng vấn đề là làm thế nào để ngang giá thị trường, hiện nay vẫn chưa có một quy trình nào, quy định cụ thể nào để định giá ngang giá thị trường. Còn nói câu chuyện “ngang giá thị trường” thì dễ.
Vấn đề ở đây là chúng ta cần một quy trình, cần một trình tự thủ tục, cần một quy định cụ thể để làm sao xác định được giá thị trường mà các bên có được sự thỏa mãn nhất định.
4. Theo ông, có phương án nào để khắc phục bất cập này?
G.S Đặng Hùng Võ: Hiện nay có nhiều ý kiến đề xuất: không giao thẩm quyền định giá đất cho UBND cấp tỉnh nữa mà nên giao cho một thể chế ở Trung ương, có thể là một cơ quan Định giá đất quốc gia chuyên đi định giá đất. Còn việc giao đất, cho thuê đất vẫn là việc của tỉnh.
Cũng có thể là một Hội đồng định giá đất quốc gia, là Hội đồng thì đỡ phải lập thêm một cơ quan. Dù thế nào đi nữa thì phải tách được việc thẩm định giá đất ra khỏi UBND cấp tỉnh. Câu chuyện giá là câu chuyện đòi hỏi chuyên môn sâu, đòi hỏi tính khách quan của thị trường thì phải là cơ chế mang tính chuyên môn, là cơ chế tạo được giá đất mang tính khách quan.
Điểm thứ hai, trong quy trình định giá thì bao giờ cũng phải có anh phát giá đầu tiên, đó phải là anh chuyên cung cấp các dịch vụ định giá đất độc lập, những tổ chức định giá đất, tư vấn . Sau đó, Nhà nước có thể tổ chức thẩm định, quyết định chứ không phải là cơ quan Nhà nước lại là anh phát giá.
Hơn nữa câu chuyện giá đất luôn luôn câu chuyện gắn với tham nhũng, khiếu kiện. Do đó, nếu chúng ta chuẩn tắc được khâu định giá đất này sẽ ngăn ngừa được tham nhũng, và giảm được khiếu kiện. Đó là nội dung rất trọng tâm mà chúng ta phải quan tâm đến.
Tuy nhiên, Luật Đất đai sửa đổi sắp được thông qua lại chưa thể khắc phục được, và vẫn nguyên như cũ.
Còn câu chuyện Nhà nước bồi thường tái định cư thì như thế nào, thưa ông?
G.S Đặng Hùng Võ: Sự thực trên thế giới có cách thức rất đa dạng, tức là họ tìm mọi cách trên cơ sở sự đồng thuận xã hội cao, để 3 bên là chủ đầu tư cảm thấy được, Nhà nước cảm thấy được và người bị thu hồi đất cảm thấy được.
Hiện chúng ta thực hiện cơ chế đang gây rất nhiều bức xúc cho người dân đó là vì chúng ta bồi thường bằng tiền một lần, sau đó, người dân ở ngoài dự án đầu tư. Dân bức xúc, nếu đầu tư một dự án khu đô thị thì vì sao lại loại người dân ra khỏi khu đô thị đó, mà không lấy người dân địa phương là trung tâm đô thị đó?
Do đó cần có phương thức khác chứ không thể thực hiện phương án như hiện nay là bồi thường bằng tiền một lần, mặc dù Luật có quy định: “ưu tiên bồi thường bằng đất, không có đất thì bồi thường bằng tiền ngang giá thị trường.”
Thế nhưng, nói là vậy chứ hiện nay làm gì có đất mà bồi thường, mà chủ yếu là bồi thường bằng tiền một lần. mà bồi thường bằng tiền một lần ở đây,chúng ta phải đẩy nguyên tắc bồi thường lên cao hơn nữa. Tức là chúng ta phải tính được phương án bồi thường sao cho người dân được tham gia vào dự án, người dân có được lợi ích ở dự án. Đó mới là phương án bồi thường lâu dài, nó làm người dân không bị bức xúc, không bị loại khỏi cuộc chơi.
Đây vẫn là những điều mà Dự thảo Luật (sửa đổi) hiện nay cũng vẫn chưa vượt lên được.
Xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét