Chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua mô hình liên kết “4 nhà” được Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh phối hợp tổ chức “Hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng ngành xây dựng” tại Hà Nội vào chiều 17/4.
Đánh giá về Chương trình tín dụng này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng chương trình tín dụng này mang lại nhiều lợi ích cho ngành xây dựng, thị trường bất động sản. Bởi với chương trình này Nhà nước không mất gì, ngân sách cũng không mất gì, trong khi đó chúng ta vẫn đang mong muốn tăng trưởng tín dụng, và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo NHNN đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhưng lại phải đảm bảo lạm phát, nợ xấu…Vì thế, cần có phương thức nào để đổ tiền vào nền kinh tế mà vẫn đảm bảo các vấn đề trên, thì chương trình này có thể sẽ làm được điều đó.
Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam với phương thức mà chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng đưa ra là rất tốt. Đồng quan điểm, T.S Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng đây là phương thức tốt.
Vụ trưởng vụ tín dụng NHNN, Nguyễn Viết Mạnh cũng khẳng định, các ngân hàng thương mại đã cùng nhau ký kết với các chủ đầu tư, các nhà thầu,…việc triển khai liên kết 4 nhà góp phần thúc đẩy giảm bớt khó khăn cho ngành xây dựng, góp phần tăng trưởng tín dụng. Đây không phải là nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước. Việc cho vay hoàn toàn tuân theo điều kiện tín dụng thông thường, tức là phải có tài sản đảm bảo, có phương án trả nợ, ngân hàng phải thẩm định…NHNN luôn khuyến khích thực hiện mô hình này. Trong thời gian triển khai thí điểm, nếu có hiệu quả NHNN sẽ nghiên cứu để thúc đẩy mô hình này.
Ngày 25/3, Ngân hàng Xây dựng cùng Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức họp báo công bố gói 50.000 tỷ cho BĐS với mô hình liên kết “4 nhà” Chủ đầu tư - nhà cung ứng vật liệu xây dựng - nhà thầu - ngân hàng và liệt kê danh sách 10 ngân hàng tham gia.
Tuy nhiên, ngay sau đó đại diện các ngân hàng được nhắc tới như Oceanbank, SHB...lên tiếng bác bỏ việc tham gia gói 50.000 tỷ. Bộ Xây dựng cũng cho biết, Bộ không chủ trì, nghiên cứu, liên quan đến gói tín dụng 50.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được 4%, nhiều người nghi ngại liệu gói 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết này có khơi thông được dòng chảy trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bất động sản đang đương đầu với khó khăn hay vẫn chỉ là kỳ vọng. |
Còn theo Thứ trưởng Nam thì mô hình này, các DN đã liên kết với nhau ra được các quy trình khép kín đảm bảo dòng tiền hướng vào ngành xây dựng, và bất động sản phục vụ cho người dân…làm tăng trưởng tín dụng mà vẫn có thể kiểm soát được lạm phát và nợ xấu.
Vấn đề còn lại là cách thức thực hiện như thế nào? Và đây cũng là điều mà dư luận gần đây rất quan tâm và cũng là điều dễ hiểu vì mô hình này mới triển khai thì con số tín dụng còn nhỏ, và cũng chưa biết hiệu quả sẽ thế nào, do đó Thứ trưởng Nam cho rằng cần chứng minh phương thức này là đúng.
“Với mô hình mà VNCB đưa ra, Bộ Xây dựng luôn ủng hộ chương trình tín dụng này. Không quan trọng là số tiền bao nhiêu, 30.000 tỷ, 50.000 tỷ hay 70.000 tỷ. Nếu triển khai tốt, các đối tác, DN vận hành nhiêm túc thì hiệu quả sẽ rất tốt. Khi triển khai tốt thì dòng tiền sẽ phình to ra mà không khống chế được. Bởi đây là chương trình tín dụng thông thường, là sự thỏa thuận cả các ngân hàng thương mại với nhau. Và ngược lại nếu các DN triển khai không tốt thì chắc chắn chương trình tín dụng này sẽ bé đi.” Thứ trưởng Nam nói.
Thứ trưởng Nam cũng cho biết thêm, nếu thực hiện đúng các dự án dở dang được khai thông, hàng hóa có tính thanh khoản cao, tăng giao dịch…kinh tế sẽ phát triển. Đây là thời điểm cơ hội cho các DN bởi khuynh hướng thị trường BĐS đang ấm lên. Điều này thể hiện ở 3 dấu hiệu.
Một là, thanh khoản thị trường BĐS tăng lên: Số liệu mới nhất về số lượng giao dịch mà các sàn giao dịch BĐS đưa ra, quý 1 năm 2013 tại HN có 800 giao dịch thành công nhưng đến quý 4 có tới 3.000 giao dịch thành công tăng gấp 4 lần. Tính đến 15/4/2014 đã có 2.300 giao dịch thành công. Riêng trong quý 1 năm 2014 có 1.500 giao dịch.